Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Giờ vẫn chưa có chính sách vaccine dịch vụ, chúng ta lo nổi không?

Đại biểu  Phạm Khánh Phong Lan nêu, trong báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội của Chính phủ có đề cập phải tăng cường xã hội hóa, nhưng "không hiểu vì lý do gì, đến giờ, vẫn chưa cho phép vaccine dịch vụ. Nếu cho phép tiêm vaccine dịch vụ, thì các công ty tư nhân sẽ phát huy khả năng, tìm nguồn vaccine kịp thời, giúp bao phủ nhanh chóng vaccine cho người dân, đáp ứng nhu cầu của người dân về vaccine".

Sáng 21-10, trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương…

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Giờ vẫn chưa có chính sách vaccine dịch vụ, chúng ta lo nổi không? ảnh 1 Buổi thảo luận tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thảo luận về công tác phòng chống dịch, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, nhận xét, từ đợt dịch thứ nhất đến đợt dịch thứ tư, ĐB cảm thấy chúng ta vẫn chưa làm rõ các bài học, đặc biệt là về lĩnh vực y tế và giáo dục – những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người – và hậu quả xảy ra sau đó.

Theo ĐB, một trong những vấn đề cốt lõi là bao phủ vaccine và củng cố hệ thống y tế. Ngành y tế là một kiềng 3 chân: y tế dự phòng, điều trị và cung ứng. ĐB Phạm Khánh Phong Lan dẫn chứng, thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều bài học về cung ứng và việc cung ứng đến giờ vẫn… rất đau đầu. “Giám đốc bệnh viện thường gặp các vấn đề về cung ứng thuốc, trang thiết bị. Luôn luôn phải lấn cấn về giá cả, làm sao vừa đảm bảo đúng pháp luật và bảo đảm các nhu cầu của đơn vị, đó cũng là hiệu quả điều trị. Nếu sợ quá, không mua thì không có máy móc cho điều trị người bệnh; nếu mua thì… không biết làm sao cho đúng”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói và nhấn mạnh, rất cần chính sách phù hợp từ Bộ Y tế.

Theo ĐB, nếu như việc này được làm kỹ hơn thì đã không có dư luận về vấn đề xét nghiệm, không có những điều đáng tiếc xảy ra - khi một loạt cán bộ ngành y tế dính vòng lao lý, điều tra – liên quan đến cung ứng. “Nhiệm vụ của cấp làm chính sách là phải làm sao đảm bảo y đức cho mọi người, chứ không thể kêu gọi suông bác sĩ phải thế này thế kia trong khi không có chính sách rõ ràng để đảm bảo giá đúng. Cần phải có những rút kinh nghiệm về việc này”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Giờ vẫn chưa có chính sách vaccine dịch vụ, chúng ta lo nổi không? ảnh 2 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề cập về cung ứng vaccine, ĐB Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ xót xa khi hậu quả của đợt dịch lần thứ tư đã khiến hơn 20.000 người qua đời vì Covid-19. Theo ĐB, nguy hiểm nhất trong thời gian qua là trường hợp trở nặng và cấp cứu không kịp thời, dẫn đến tử vong. “Điều này có thể tránh được nếu bao phủ vaccine sớm”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhận định. Từ đó, ĐB đề cập đến vai trò của Chính phủ, của Bộ Y tế: “Tại sao không mua vaccine, không thương lượng đàm phán mua vaccine đúng thời điểm, một cách kịp thời, sớm hơn?”. ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói tiếp: “Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ, Bộ Y tế đã đề cập đến việc mua vaccine. Nhưng sau đó lại… buông. Và tới giờ, cố gắng đi mua thì đã… không kịp. Đã chậm rồi”.

Trong khi đó, một nguồn vaccine lớn chích được cho người dân lại chính từ công ty tư nhân mua về và cùng với nguồn vaccine viện trợ. “Tại sao doanh nghiệp tư nhân mua được, họ theo đến cùng để mua được các liều vaccine. Còn Chính phủ lại chưa quyết liệt để mua được vaccine mang về?”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan hỏi. Theo ĐB, điều đó cho thấy, chúng ta chưa đủ quyết liệt, không có hiệu quả trong việc mua vaccine.

Liên quan đến xã hội hóa trong y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu, trong báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội của Chính phủ có đề cập phải tăng cường xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn là nhà nước lo hết, ngân sách lo hết cho khám chữa bệnh Covid-19; đến giờ này, vẫn chưa có chính sách tiêm vaccine dịch vụ, chưa có cơ chế cho hệ thống tư nhân khám chữa bệnh Covid-19... “Vậy chúng ta lo nổi không? Xã hội có rất nhiều nhu cầu khác nhau và nhà nước cần có chính sách xã hội hóa để thu hút nguồn lực xã hội giúp cho y tế. Không hiểu vì lý do gì, nhưng đến giờ, vẫn chưa cho phép vaccine dịch vụ. Nếu cho phép tiêm vaccine dịch vụ, thì các công ty tư nhân sẽ phát huy khả năng, tìm nguồn vaccine kịp thời, giúp bao phủ nhanh chóng vaccine cho người dân, đáp ứng nhu cầu của người dân về vaccine”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan phân tích.  

“Cứ cho rằng tiêm vaccine miễn phí và đã có quỹ vaccine. Nhưng thật ra quỹ đó cũng là do doanh nghiệp đóng góp vào, phục vụ ưu tiên cho công nhân của họ, thì trong một chừng mực nào đó cũng là dịch vụ rồi. Hơn nữa, cho dù có bao cấp vaccine thì tiền nhà nước mua vaccine cũng chính là tiền thuế của người dân, tiền đóng đóng góp của người dân chứ không phải từ… trên trời rơi xuống”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan trao đổi thêm và đề nghị phải sớm có giải pháp phát huy được sức mạnh của y tế tư nhân, tăng cường sức mạnh cho hệ thống y tế.


ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Đề nghị dành từ 20.000-40.000 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp

Về kinh tế, thiệt hại của Việt Nam trong 2 năm qua là rất lớn. Trong năm 2020, dự kiến tăng trưởng 6,8% nhưng cả năm chỉ tăng 2,9%. Năm 2021, dự kiến 6% và khả năng thực hiện không quá 3%. Tức là 2 năm cả nước thiệt hại khoảng 7% GDP (GDP hiện là khoảng 343 tỷ USD), tương đương thiệt hại gần 24 tỷ USD.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Giờ vẫn chưa có chính sách vaccine dịch vụ, chúng ta lo nổi không? ảnh 3 Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về thu ngân sách, 2 năm qua cả nước giảm khoảng 150.000 tỷ đồng. Riêng TPHCM, mức thiệt hại trong 2 năm chiếm khoảng 50% của cả nước, tức là mất khoảng 12 tỷ USD và giảm khoảng 70.000 tỷ đồng thu ngân sách. Cho nên, trong thời gian tới, Trung ương và các tỉnh, thành cần sớm ngồi lại để nối lại các đứt gãy từ khủng hoảng, vì chính các đứt gãy làm tăng chi phí, tăng giá cả hàng hóa, không đảm bảo cung lao động.

Về đầu tư công, năm nay, cả nước mới giải ngân hơn 47% (216.500 tỷ đồng). Dự kiến đến hết 31-1-2022 cũng chưa thể giải ngân hết 53% còn lại. Đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang "khao khát" các dự án.
Riêng tại TPHCM, 1 đồng vốn đầu tư công của TPHCM thu hút 10 đồng vốn đầu tư xã hội. Cho nên rất cần giải quyết bài toán đầu tư công mới có thể thu hút vốn đầu tư xã hội. Tôi đề nghị Quốc hội cho phép chuyển tiếp thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 kéo dài đến hết năm 2022, thay vì mốc 31-1-2022.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn với mặt bằng lãi suất cho vay 6-8%, thậm chí 9%. Với lãi suất này, doanh nghiệp rất khó khăn để hồi phục. Tôi đề nghị Chính phủ dành nguồn lực đủ lớn, khoảng 20.000-40.000 tỷ đồng, để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Như vậy, có thể hỗ trợ cho dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm 10% trong tổng số dư nợ 10 triệu tỷ đồng), tập trung cho những lĩnh vực có thiệt hai nặng nề nhất, như du lịch, hàng không, hỗ trợ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số…

Tin cùng chuyên mục