
Đã 2 tuần qua kể từ sau vụ biến chứng do tiêm ngừa vaccine Priorix khiến 1 cháu bé tử vong và 5 cháu khác phải nằm liệt giường điều trị, nỗi đau – giống như ly nước nóng - sẽ nguôi dần cùng thời gian, song vẫn còn nguyên đó câu hỏi nhức nhối: Làm sao để chuyện này không lặp lại? Làm sao để người dân an tâm tiếp nhận vaccine nhằm tránh những căn bệnh hiểm nghèo về sau? Làm sao… và làm sao? Các đoàn thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng và kể cả Tổ chức Y tế thế giới WHO đã nhập cuộc tìm nguyên nhân.
Phải vào WTO... mới xong “ông cơ chế”
Nhưng có lẽ chuyện vaccine – sẽ như mọi câu chuyện kết thúc “không có hậu” khác – hoặc không ai có lỗi hoặc tất cả đều có lỗi và hay hơn nữa là quy lỗi cho… cơ chế. Trả lời phỏng vấn báo SGGP ngày 22-5, ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã tái khẳng định “sự lựa chọn lỗi cơ chế” khi đề cập đường đi “dích dắc” trong kinh doanh, phân phối vaccine nhập ngoại “nó giống hệt cơ chế nhập khẩu thuốc”: Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có công ty dược nhà nước mới được phép xuất nhập khẩu vaccine cho nên mới xuất hiện “liên minh” Zuellig Pharma (ZP)– công ty được quyền phân phối vaccine nhưng không được nhập khẩu - và Công ty Dược phẩm TPHCM (Sapharco) tuy năng lực có hạn nhưng lại có quyền nhập khẩu.

Ông Trung lý giải rõ hơn bản chất của vụ mua bán vaccine: “Thứ nhất, nhà sản xuất (trong vụ này là Công ty GlaxoSmithKline – GSK) không biết Sapharco là ai, nhưng lại biết ZP. Và về phần mình ZP phải nhờ Sapharco nhập khẩu ủy thác cho mình. Thứ hai, ZP đầu tư cho Sapharco dưới hình thức liên kết (đầu tư cho dây chuyền bảo quản) thế nhưng lại không biết phải thanh toán ra sao. Nghĩa là vốn do ZP bỏ ra, còn Sapharco chỉ nhập ủy thác để ăn tiền hoa hồng. Còn tại sao lại có Công ty Hoàng Đức trong “dây chuyền” này? Đơn giản là Hoàng Đức có bạn hàng – mà ở đây là Trung tâm Y tế dự phòng quận 5.
Ông Trung đúc kết: Như vậy, đây là một hệ thống làm ăn chặt chẽ với nhau, tất cả sinh ra do cơ chế. Đây cũng là điển hình trong kinh doanh, phân phối vaccine ở nước ta. Và có thể thấy rõ, cứ mỗi lần qua một nấc trung gian thì giá vaccine và thuốc tân dược lại bị đẩy lên rất cao”. Là người am hiểu tường tận cơ chế “đường vòng đôi khi là đường ngắn nhất tới đích”, ông Trung nêu ra giải pháp “phải gia nhập WTO mới xóa bỏ được cơ chế trên. Lúc đó, doanh nghiệp nào đủ năng lực thì được nhập khẩu và phân phối vaccine, thuốc”.
Công ty TNHH Hoàng Đức: Chúng tôi vô can!
KS Đặng Văn Tưởng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Đức vò đầu bứt tai kêu lên như vậy. Theo ông, trong 7 công ty là nhà phân phối phụ cho ZP ở TPHCM thì đơn vị ông là khốn khổ nhất vì rơi đúng vào bạn hàng của mình là Trung tâm Y tế dự phòng Q5. Chức năng của Hoàng Đức là bảo quản và vận chuyển vaccine đến khách hàng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế: Bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C…
Và sự thật là kho bảo quản của Hoàng Đức đảm bảo đúng những yêu cầu nghiêm ngặt từ phía ZP và GSK: có 4 tủ chuyên dụng, có máy phát điện dự phòng, có hộp xốp chuyển số lượng nhỏ vaccine theo yêu cầu bất chợt… Có cảm giác tất cả đều hoàn hảo, tất cả đều “trên cả tuyệt vời” vì theo ông Tưởng “kinh doanh là phải có lãi và vì vậy càng phải cẩn trọng”.
Để khách quan, chúng tôi xin trích lời ông: “Tại sao chúng tôi trở thành nhà thầu phụ cho ZP? Vì chúng tôi có khả năng tài chính, có khả năng thanh toán nhanh, dứt điểm. Và giá trị nữa là chúng tôi cung cấp tín dụng cho các khách hành nhỏ như các đội vệ sinh phòng dịch, các trung tâm y tế quận huyện: Họ có nhu cầu tiêm chích nhưng không có chức năng kinh doanh, không có vốn. Trung bình các khách hàng nợ chúng tôi 2-3 tháng mới thanh toán. Được 1 tháng mà họ trả là mừng lắm!”.
Điều nữa – được ông Tưởng bộc bạch – là: “chúng tôi kinh doanh có đầy đủ cơ sở pháp lý. Chúng tôi khẳng định như vậy tuy có ký… vào biên bản đồng ý với kết quả thanh tra rằng mình quên gia hạn giấy phép. Trước đây 2 tháng (ngày 28-3), đoàn thanh tra về thuốc của Bộ Y tế có làm việc ở chỗ chúng tôi lại không hề đả động chuyện này (?!)”.
Thêm 2 loại vaccine có vấn đề (?)
Trong khi nguyên nhân gây biến chứng sau tiêm vaccine Priorix do GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất chưa có kết luận, lại thêm một nghi vấn của dư luận đặt ra sau khi Trung tâm Y tế dự phòng (TT YTDP) TPHCM vừa niêm phong 2 loại vaccine Varilrix (ngừa thủy đậu) và Hiberix (viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) của GSK. Trước đó, trong khi tiêm chích vaccine phòng bệnh cho người dân, nhân viên phát hiện có sự khác biệt nhau về ký hiệu tại lô hàng trên vỏ hộp giấy và ký hiệu tên lô hàng trên lọ chứa vaccine.
Vaccine Varilrix (hạn dùng tháng 11-2007, giá 317.000 đồng/liều), vỏ hộp giấy bên ngoài ghi A70CA364A, nhưng bên trong lọ chứa ghi A70FA364A (khác nhau chữ C và chữ F). Vaccine Hiberix (hạn dùng tháng 9-2008, giá 207.000 đồng/liều), bên ngoài vỏ hộp giấy ghi A72CA161B, nhưng bên trong lọ chứa là A72FA161B (cũng khác nhau chữ C và F). Phó giám đốc TT YTDP Nguyễn Đắc Thọ cho biết, thông thường thì thông tin - ký hiệu trên sản phẩm thuốc và trên vỏ bao bì phải hoàn toàn giống nhau.
Ngay khi phát hiện vấn đề bất thường này, trung tâm đã niêm phong toàn bộ 108 liều của 2 loại vaccine Varilrix và Hiberix, đồng thời báo cho Sở Y tế và Trung tâm Kiểm định quốc gia sinh phẩm y học. Song song đó, TT YTDP cũng thông báo xuống các Đội YTDP quận huyện tạm ngưng ngay việc sử dụng 2 loại vaccine Varilrix và Hiberix tiêm cho người dân.
Ngày 23-5, Giám đốc bộ phận vaccine Nguyễn Thị Tường Vi của GSK cho rằng lô thành phẩm xuất sang thị trường Việt Nam được dán nhãn theo quy chế mẫu nhãn của Việt Nam và số lô cho thị trường Việt Nam được nhà máy quy định là A69FA9A. Trong đó, chữ F (Final) cho biết đây là vaccine trong bao bì trực tiếp. Dung môi (nước pha tiêm) được đánh số lô riêng, ví dụ như: AD06::13ấ13::, D (Diluent).
Cuối cùng, bao bì ngoài của thành phẩm chứa lọ vaccine và dung môi được đánh số giống như vaccine trong bao bì trực tiếp nhưng chữ F được thay bằng chữ C. Điều này thể hiện đây là bao bì ngoài hoàn chỉnh (completed). Bà Tường Vi khẳng định: tất cả các vaccine của GSK đều được đánh số lô như trên và đã được cơ quan chức năng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam cho lưu hành trên thị trường từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại TT YTDP thành phố chỉ có 2 loại vaccine Varilrix và Hiberix là có sự khác biệt nhau giữa ký hiệu bên ngoài bao bì và ký hiệu bên trong lọ vaccine. Một số loại vaccine khác như Engerix B (ngừa viêm gan B) và Tritanrix (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan) hoàn toàn không có sự khác biệt ký hiệu bên ngoài vỏ bao bì và bên trong lọ sản phẩm.
Như vậy, vấn đề đặt ra là từ trước đến nay khi sản phẩm vaccine của GSK nhập vào, đơn vị quản lý nhập khẩu vaccine của Bộ Y tế không phát hiện được sự khác biệt trên 2 sản phẩm vaccine Varilrix và Hiberix? Ở khía cạnh khác, 2 loại vaccine Varilrix và Hiberix lưu hành và tiêm ngừa cho người dân từ nhiều năm nay, vì sao đến bây giờ TT YTDP thành phố mới phát hiện ra sự khác biệt này? Rõ ràng vẫn còn có sự quản lý vaccine lỏng lẻo từ cấp quản lý đến cơ sở trực tiếp tiêm vaccine.
Ngày 23-5, đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM tiến hành thanh tra cùng lúc 3 đơn vị: -Sapharco, Công ty ZP và Công ty cổ phần Dược TW 2 (Phytopharma). Tại kho của ZP, sản phẩm vaccine Priorix của GSK vẫn còn tồn trên 41.000 liều. Do trong kho còn có 11 loại vaccine khác (có đến 8 sản phẩm của GSK) nên không thể niêm phong toàn bộ số vaccine, đoàn yêu cầu ZP ngưng ngay việc xuất kho sản phẩm Priorix. Đại diện ZP chưa xuất trình cho đoàn thanh tra giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh. Tại Phytopharma, đơn vị này không giới thiệu được với đoàn thanh tra kho trữ vaccine. Tại Sapharco, đoàn ghi nhận có một số vấn đề về thủ tục hành chánh cần điều tra làm rõ. |
NHÓM PV KHOA GIÁO
Tin, bài liên quan:
- Thanh tra toàn diện về vaccine, sinh phẩm y tế
- Tiến hành thực nghiệm số vaccine cùng lô
- WHO thu thập thông tin về vụ tai biến vaccine
- Tiêm ngừa vaccine: Những điều cần lưu ý
- Mời đại diện WHO điều tra
- Bộ Y tế: Quy trình nhập khẩu, bảo quản, sử dụng vaccine là tốt (?)
- Tập trung cứu chữa, sớm tìm nguyên nhân
- Tạm ngừng tiêm vaccine Priorix trên toàn quốc