Trong đó, bệnh sởi vào giai đoạn cuối của dịch bệnh với trung bình khoảng 30 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hàng tuần trong liên tục 11 tuần vừa qua.
Đối với bệnh SXH, số ca mắc trong tháng 10 giảm 17% so với tháng 9 và giảm mạnh so với tỷ lệ tăng những tháng đầu năm. Với bệnh tay chân miệng, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 22.453 ca, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng trong tháng 10 vừa qua, bệnh tay chân miệng giảm 18% so với tháng 9.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 là thời gian thuận lợi cho các bệnh lây qua tiếp xúc xuất hiện trong trường học các cấp. Ngoài các biện pháp triển khai phòng bệnh thường quy, người dân thường xuyên rửa tay đúng cách và không đưa trẻ bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đến trường, lớp để không lây bệnh cho trẻ khác.
* Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Dưỡng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Hới cho biết, hiện bệnh viện đang quá tải nghiêm trọng ở các khoa cũng như khu khám bệnh. Nguyên nhân là do dịch SXH đang hoành hành khiến bệnh nhân các địa phương như huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và TP Đồng Hới đến chữa bệnh khiến bệnh viện quá tải. Theo Trung tâm Y tế tỉnh Quảng Bình, địa phương hiện có gần 7.000 trường hợp SXH và đã có 2 trường hợp tử vong.
Ngày 6-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.500 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, từ tháng 7 đến nay, số ca mắc tăng gần 1.000 trường hợp.
Bác sĩ Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, SXH đang vào mùa cao điểm do thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát sinh nhiều ổ dịch. Trong khi, người dân xem việc phòng ngừa SXH là tránh nhiệm của cán bộ y tế nên dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan nhanh.