TPHCM: Nguồn hàng hóa cung ứng về nhiều ​

Sở Công thương TPHCM thông tin, từ ngày 23-8 đến 2-9, tỷ lệ "đi chợ giúp" theo ngày trên địa bàn luôn đạt mức từ 71% trở lên, trong đó có nhiều ngày đạt trên 100%, không nợ đơn hàng. 
Lực lượng “đi chợ giúp” đang lựa hàng hóa
Lực lượng “đi chợ giúp” đang lựa hàng hóa

Sau 3 ngày TPHCM cho tăng số lượng nhân viên hệ thống siêu thị và shipper được hoạt động lại, tình hình cung ứng hàng hóa đã thông suốt hơn, nhiều hệ thống bán lẻ gia tăng sản lượng lẫn điểm bán. Hàng hóa từ các nơi cung ứng đổ về TPHCM nhiều, không xảy ra tình trạng “tắc đường”.

Mới 9 giờ sáng (3-9) nhưng bên trong siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh) đã khá đông lực lượng “đi chợ giúp”, tay cầm thực đơn lựa món, sau đó lần lượt chất đầy lên xe từng combo đẩy ra quày tính tiền.

Do số lượng đơn hàng đi chợ giúp tăng cao nên siêu thị đã chủ động nhập nguồn cung về tăng khoảng 3 lần so với bình thường, hàng hóa phải chất tràn ra hành lang hoặc thu dọn một số kệ hàng để có chỗ chứa.

“Dự báo nhu cầu người dân sẽ tăng cao sau hơn 10 ngày ở trong nhà, thực phẩm dự trữ cạn dần nên chúng tôi đã chủ động nhập nguồn cung tăng lên. Do trong siêu thị không còn chỗ nên phải để tràn ra đây, nhìn hơi bừa bộn, nhưng chỉ có người "đi chợ giúp" nên không ảnh hưởng đến việc di chuyển”, bà Bùi Thị Giáng Thu, Giám đốc Co.opmart Chu Văn An chỉ tay vào những kiện hàng chất quá đầu người nói.

Tình cảnh này diễn ra ở hầu hết hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, Satra, Mega Market…

Satrafoods cũng vừa đưa thêm 16 cửa hàng vào hoạt động, dự kiến đến ngày 5-9 sẽ mở thêm 7 cửa hàng, nâng tổng số chuỗi cửa hàng lên 111.

Song song đó, Satra còn tăng cường nguồn nhân lực tại các điểm sơ chế rau củ quả của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền và các siêu thị để kịp thời phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân trong những ngày “ai ở đâu, ở yên đó”, đại diện Satra cho biết.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Satrafoods cho biết, đang phối hợp với địa phương tại những nơi có cửa hàng Satrafoods hoạt động để mở rộng hình thức phục vụ "đi chợ giúp".

Để hạn chế các nhóm lừa đảo, nhân viên cửa hàng bắt buộc mặc đồng phục của cửa hàng, đeo bảng tên Satrafoods, trình giấy giới thiệu của quản lý cửa hàng và giấy đi đường do công an cấp. Các cửa hàng Satrafoods sẽ không nhận chuyển khoản trước đơn hàng mà tất cả sẽ được thanh toán sau khi nhận hàng.

Ngày đầu tiên áp dựng mô hình này, Satrafoods đã cung cấp được hơn 8.000 combo phục vụ người dân.

Theo đại diện Mega Market, hàng hóa về hệ thống những này qua khá thuận lợi. Cụ thể, hàng tươi sống như thị heo, gà được vận chuyển từ Đồng Nai; cá, hải sản từ Cần Thơ; trái cây từ Tiền Giang và rau củ quả từ Đà Lạt… đều được các đầu mối cung cấp đảm bảo số lượng, kịp thời, xuyên suốt nên hàng về khá tươi ngon.

TPHCM: Nguồn hàng hóa cung ứng về nhiều ​ ảnh 1 Hóa đa dạng, đảm bảo số lượng, kịp thời, xuyên suốt và khá tươi ngon

Tương tự, đại diện Bách hóa Xanh cho biết, 100% cửa hàng trên địa bàn TPHCM vẫn đang hoạt động, chỉ nơi nào có trường hợp xảy ra F0 thì tạm đóng cửa để xử lý y tế.

Tuy nhiên, từ trước đến nay hệ thống này chỉ bán trực tiếp cho khách hàng nên việc không đảm bảo nhân viên khiến việc giao hàng cho người dân vẫn chưa được thuận lợi. Để linh hoạt hơn trong việc mua bán khi hạn chế nhân lực, hiện Bách hóa Xanh đang thử nghiệm chuỗi combo. Cụ thể, các cửa hàng sẽ xây dựng các loại combo đặc thù như chuyên về dinh dưỡng gồm cá, thịt, trứng hay combo chuyên về rau củ quả, combo trái cây với mức giá phù hợp để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Đại diện Vissan cho biết, các phân xưởng sản xuất chế biến và thực phẩm tươi sống đã hoạt động trở lại với số lượng công nhân đi làm là 600 công nhân, chiếm khoảng 45% so với lượng công nhân của công ty.

Theo đó, xưởng sản xuất chế biến xúc xích tiệt trùng, đồ hộp có thể cung cấp ra thị trường từ 10 đến 25 tấn/ngày; các xưởng sản xuất giò lụa, thịt nguội, lạp xưởng có thể cung cấp khoảng 2 tấn/ngày... đạt khoảng 50% công suất so với ngày thường.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống là thịt heo, Vissan đang cung cấp cho thị trường TPHCM khoảng 1.200 thịt heo mảnh/ngày tương đương gần 50 tấn thịt heo pha lóc/ngày, đạt khoảng 70% công suất so với ngày thường.

Sở Công thương TPHCM thông tin, từ 23-8 đến 2-9, tỷ lệ "đi chợ giúp" theo ngày trên địa bàn luôn đạt mức từ 71% trở lên, trong đó có nhiều ngày đạt trên 100%, không nợ đơn hàng.

Cụ thể, trong giai đoạn này, ngày có tỷ lệ "đi chợ giúp" thấp nhất là 26-8 với hơn 99.000 hộ dân đăng ký đơn hàng nhưng chỉ có 70.503 hộ nhận được hàng (đạt tỷ lệ 71,2%), ngày 30-8 có gần 177.000 hộ đăng ký đơn hàng và 130.777 hộ nhận hàng (đạt tỷ lệ 74%).

Những ngày có tỷ lệ cao là 1-9 với 89.489 số hộ đăng ký mua hàng và 93.153 hộ nhận hàng (tỷ lệ hơn 104%), ngày 2-9 có 100.745 hộ đăng ký mua hàng và 115.130 hộ nhận được hàng (tỷ lệ hơn 114%), không có đơn tồn đọng.

Liên quan đến việc các siêu thị bị quá tải đơn hàng, dù shipper đã được phép hoạt động lại nhưng số lượng còn hạn chế (chủ yếu giao khách lẻ - PV), Sở Công thương TPHCM cho biết, sẽ làm việc lại với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, thiết kế lại các mẫu combo theo hướng đa dạng về giá, sản phẩm và đưa vào lượng lớn mặt hàng thiết yếu để bán lẻ phục vụ người dân.

Tin cùng chuyên mục