Cú huých từ khu vực Tây Bắc TP Đà Nẵng - Bài 5: Đà Nẵng mở đường cho mô hình Khu thương mại tự do

Trong xu thế toàn cầu hóa sâu rộng và sự cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm kinh tế trong khu vực, Đà Nẵng đang chủ động tiên phong trong việc xây dựng Khu thương mại tự do (KTMTD). Không chỉ là bước đi chiến lược nhằm tăng sức cạnh tranh, đây còn là cú huých mạnh mẽ mở rộng không gian phát triển, tạo vị thế mới cho thành phố và toàn vùng kinh tế miền Trung.

Các đối tác tham quan địa điểm dự kiến phân khu sản xuất của Khu thương mại tự do. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Các đối tác tham quan địa điểm dự kiến phân khu sản xuất của Khu thương mại tự do. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tận dụng lợi thế

Không sao chép máy móc các mô hình quốc tế, Đà Nẵng lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt khi tham khảo các hình mẫu từ Singapore, Thượng Hải, Hồng Công (Trung Quốc) hay Dubai để xây dựng một mô hình KTMTD phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Theo đó, KTMTD Đà Nẵng sẽ không chỉ là khu vực miễn thuế mà còn tích hợp nhiều lĩnh vực như logistics, tài chính, thương mại điện tử, công nghệ cao và công nghiệp chế biến.

Nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, vị trí chiến lược của Đà Nẵng được xem là lợi thế đặc biệt trong kết nối với các thị trường lớn của Đông Bắc Á và ASEAN. Cùng với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế và hạ tầng giao thông liên vùng, thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của cả khu vực.

z6440745968117_b4e96e6039ab8e50fd1b911e0b8cc05a.jpg
Toàn cảnh khu vực triển khai dự án Cảng Liên Chiểu, một trong những hạ tầng trọng điểm thúc đẩy phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Chính quyền TP Đà Nẵng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số để vận hành KTMTD một cách minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư. Những thay đổi này giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi, thúc đẩy dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Trao đổi với PV SGGP, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, mục tiêu lớn nhất của KTMTD là thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển chuỗi giá trị và thúc đẩy xuất khẩu. Song song với đó là tầm nhìn phát triển đô thị đồng bộ. KTMTD sẽ là động lực phát triển đô thị, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vừa cải thiện hạ tầng và chất lượng sống cho người dân. Hạ tầng đô thị cũng được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng, từ giao thông đến giáo dục và y tế, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Đà Nẵng đã nghiên cứu kỹ các mô hình KTMTD quốc tế. Như Singapore với sự kết hợp giữa khu thương mại tự do và cảng biển hiện đại, hay Thượng Hải – nơi thử nghiệm các cải cách tài chính táo bạo. Dubai cũng là ví dụ điển hình về cách tận dụng vị trí địa lý để phát triển mô hình miễn thuế và logistics toàn diện. Từ đó, thành phố có thể rút ra những bài học thực tiễn để xây dựng một hệ sinh thái đầu tư linh hoạt, hấp dẫn và hiệu quả.

z6440745956907_b4966dcd6ab607162d075819acc2c4a3.jpg
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng giới thiệu mô hình Khu thương mại tự do và dự án liên quan với đối tác. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đồng quan điểm, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, Khu thương mại tự do sẽ giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời là đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng sẽ là trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế, gắn kết chặt chẽ với Cảng biển Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc và quảng bá về Khu thương mại tự do Đà Nẵng với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực đầu tư, đảm bảo khu vực này có đầy đủ điều kiện hạ tầng hiện đại, sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp lớn,” ông Vũ Quang Hùng nhấn mạnh.

Mở rộng không gian phát triển, tạo liên kết vùng

Đánh giá về cơ hội và thách thức khi xây dựng KTMTD trong bối cảnh sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh thành, ông Vũ Quang Hùng cũng cho rằng, một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển KTMTD mà Đà Nẵng đang xây dựng là mở rộng không gian phát triển. Khi được mở rộng không gian phát triển, Đà Nẵng không chỉ có cơ hội mở rộng quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các khu công nghiệp và logistics mà còn có thể tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung và năng động từ các khu vực lân cận.

xem-xet-quyet-dinh-thanh-lap-khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-vi-tri-de-xuat-1726370563.jpg
Một số vị trí đề xuất thành lập khu thương mại tự do. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Với sự bổ sung này, KTMTD Đà Nẵng có thể tích hợp thêm các ngành sản xuất chế biến, phát triển cảng biển Chu Lai – Kỳ Hà và hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, mở rộng quy mô và nâng cao giá trị kinh tế. Đây là cơ hội để hình thành liên kết vùng và thúc đẩy một nền kinh tế khu vực phát triển đồng bộ.

Ngoài ra, việc mở rộng không gian phát triển còn giúp giảm áp lực đô thị hóa tại trung tâm Đà Nẵng, đồng thời tạo điều kiện để phát triển các khu vực ngoại thành, giảm tình trạng tập trung dân cư và công nghiệp quá mức vào một khu vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các khu vực trong thành phố và cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Nhìn nhận về những thách thức trong việc "đi đầu mở đường" xây dựng KTMTD, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng mặc dù tiềm năng rất lớn, thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, thu hút vốn đầu tư ban đầu và đảm bảo phát triển bền vững.

Để giải quyết các vấn đề này, ông cho rằng thành phố cần có những chính sách đột phá, cụ thể như: (1) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; (2) Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, thu hút các quỹ đầu tư lớn vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, logistics và tài chính, nhằm tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển của KTMTD; (3) Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối khu vực thương mại tự do với hệ thống cảng biển, sân bay và đường bộ xuyên biên giới, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ với các thị trường quốc tế; (4) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua việc đào tạo, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, nhằm tạo ra đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao và dịch vụ tài chính.

z6601476359932_1148749d0a96d220479c1f8f130473e6.jpg
Cảng Đà Nẵng hiện là đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng của miền Trung, giữ vai trò kết nối trong chuỗi logistics khu vực. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Trung Chinh khẳng định rằng, với chiến lược đúng đắn và những giải pháp quyết liệt, Đà Nẵng sẽ vượt qua được thách thức và phát triển KTMTD thành công, góp phần nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ kinh tế quốc tế.

Việc phát triển KTMTD tại Đà Nẵng không chỉ mang ý nghĩa địa phương mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh, mô hình này mở ra cơ hội thiết lập một nền tảng phát triển kinh tế mới, bền vững và tích hợp khu vực. Bằng cách đi đầu trong xu thế toàn cầu, chủ động thiết kế mô hình phát triển phù hợp, Đà Nẵng đang đặt nền móng cho một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế năng động của khu vực và cả nước.

Trong chiến lược phát triển TP Đà Nẵng, việc đồng thời xây dựng KTMTD và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng sẽ tạo ra những cơ hội lớn không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cho Việt Nam nói chung. Mô hình này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gián tiếp (FII), đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ liên quan.

Với chiến lược này, Đà Nẵng có thể vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, cạnh tranh với Singapore và Hồng Công trong lĩnh vực thương mại và tài chính. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn quốc tế dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các tập đoàn lớn.

Song song với đó, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng, với Trung tâm tài chính hỗ trợ các giao dịch tài chính quốc tế, thanh toán và đầu tư. Việc xây dựng đồng thời KTMTD và Trung tâm tài chính hiện đại sẽ giúp Việt Nam tăng cường hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục